Phát hiện sách y khoa cổ nhất trên thế giới chưa từng được biết đến

Thứ Ba, 13:00:02 08/09/2020

Theo một nghiên cứu mới đây, bản thảo lụa 2.200 năm tuổi được chôn cùng với một gia đình tinh hoa của Trung Quốc cổ đại, có thể là sách giáo khoa y học lâu đời nhất được biết đến trên thế giới.

Phát hiện sách y khoa cổ nhất trên thế giới chưa từng được biết đến - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Một phần bản thảo của văn bản y khoa cổ nhất thế giới.

Báo cáo trên tạp chí The Anatomical Record, văn bản cổ của Trung Quốc đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia giải phẫu tại Đại học Bangor ở Anh và Đại học Howard ở Mỹ.

Được gọi là bản thảo y học Mawangdui, các văn bản bằng lụa được phát hiện vào năm 1973 khi các nhà khảo cổ mở ngôi mộ của Lady Dai, một quý tộc thời Hán vào năm 168 trước Công Nguyên, và gia đình của bà tại khu chôn cất Mawangdui ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Các bản thảo được cho là tiền thân của các văn bản châm cứu nổi tiếng The Yellow Emperor’s Classic of Internal Medicine, còn được gọi là Hoàng đế nội kinh. Mặc dù nội dung không đề cập rõ ràng đến các huyệt đạo, nhưng nó mô tả "kinh mạch" và các con đường kết nối vẫn được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc ngày nay. Đặc biệt, bản thảo mô tả tổ chức của cơ thể con người dưới dạng 11 con đường khắp cơ thể, mỗi con đường đều có các mô hình bệnh tật đi kèm.

Chúng ta vẫn biết rằng lịch sử giải phẫu bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Câu hỏi đặt ra đó là liệu bản thảo này có thể được coi là một cách tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học để tìm hiểu giải phẫu con người không? Nếu vậy, người Trung Quốc cổ đại cũng là những nhà giải phẫu học thực thụ.

Trong khi đó, theo quan điểm của y học hiện đại phương Tây, những văn bản trước đây được hiểu là một mô tả không có căn cứ về các năng lượng thần bí, thay vì mô tả thực nghiệm về cơ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng trên thực tế, các mô tả dựa trên cấu trúc giải phẫu vật lý.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu so sánh các đặc điểm của cơ thể được trình bày chi tiết trong bản thảo Mawangdui khớp với những quan sát về cơ thể người hiện đại.

Mặc dù nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực tế đã ủng hộ hiệu quả của châm cứu đối với một số bệnh như kiểm soát cơn đau, nhưng trong y học phương Tây, phần lớn vẫn nghi ngờ rằng châm cứu là một phương pháp hiệu quả để điều trị nhiều bệnh khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, theo một nghĩa nào đó, bản thảo Mawangdui không chỉ đơn giản là một tác phẩm thần bí dựa trên những ý tưởng vô căn cứ, mà là một nỗ lực xác đáng để mô tả giải phẫu con người từ góc nhìn của một người sống trong nền văn hóa phương Đông cổ đại.

“Chúng ta phải tiếp cận những văn bản này từ một góc độ khác với quan điểm y học phương Tây hiện tại của chúng ta về các hệ thống động mạch, tĩnh mạch và dây thần kinh riêng biệt của cơ thể”, Vivien Shaw, giảng viên ngành giải phẫu tại Đại học Bangor, người đã nghiên cứu về các thông tin giải phẫu được tìm thấy trong các văn bản y học cổ đại của Trung Quốc trong nhiều năm, cho biết.

Đồng tác giả Izzy Winder từ Trường Khoa học Tự nhiên cũng nhấn mạnh: “Các học giả trước đây không xem các tác phẩm mô tả giải phẫu học, bởi vì các thực hành văn hóa Nho giáo đương thời tôn kính tổ tiên và xa lánh mổ xẻ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng việc mổ xẻ có liên quan và các tác giả sẽ có quyền truy cập vào thi thể của tội phạm, như được kể lại trong các văn bản sau này”.

Theo IFL Science

Thị Hồng

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Chủ đề được quan tâm

Ngày tận thế Ngày tận thế Thứ bảy, 11:10:43 11/07/2020
Thế giới động vật Thế giới động vật Thứ bảy, 11:09:47 11/07/2020
Kiếm hiệp Kiếm hiệp Thứ sáu, 16:59:11 10/07/2020
Trí tuệ nhân tạo Trí tuệ nhân tạo Thứ năm, 11:12:31 09/07/2020
1001 câu hỏi tại sao 1001 câu hỏi tại sao Thứ tư, 14:12:26 08/07/2020

Video nổi bật

Sản phẩm mới