Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam Quốc diễn nghĩa 1996.

Gia Cát Lượng sớm đã biết khí số nhà Hán đã hết, chí nguyện phục hưng nhà Hán của Lưu Bị là không thể thực hiện được, vậy sao ông vẫn quyết định xuống núi phò tá?

Có thơ rằng:

Tri kỳ bất khả hoàn thị vi,
Diễn thành trung nghĩa vạn cổ thùy.
Thị phi thành bại não hậu sự,
Bi khổ tân toan tố dữ thùy.

Tạm dịch:

Biết rằng không thể vẫn cứ đi,
Diễn vai trung nghĩa mãi khắc ghi.
Thị phi thành bại còn đâu nữa,
Buồn đau chua xót tỏ cùng mi.

(Tác giả: Minh Áo)

Người xưa có câu “Không thành công cũng thành nhân”, Gia Cát Lượng dẫu biết trước sự nghiệp phục hưng nhà Hán là không thể thành công, nhưng ông quyết định vẫn phò tá Lưu Bị để “thành nhân”, lưu lại một tấm gương lịch sử trung nghĩa, cúc cung tận tụy, một quân sư tài trí trùm đời, một thừa tướng yêu dân như con.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, toàn dân Thục Hán rất đỗi thương tiếc, trăm họ tế cúng trong ngõ, người Nhung, Di tế cúng ngoài đồng nội. Tình hình này kéo dài suốt mấy chục năm không thôi. Tôn Tiền đời nhà Đường ghi rằng: “Gia Cát Vũ Hầu đã mất 500 năm, nhân dân từ Lưỡng Hán đến nay, vẫn ca tụng sự tích, lập miếu và tế tự ở nhiều nơi, ông đã để lại sự thương nhớ của mọi người mãi mãi khắc sâu như thế”.

Lịch sử như bánh xe xoay chuyển, hết triều đại này đến triều đại khác nối tiếp nhau; như một vở diễn lớn, màn này khép lại màn khác lại mở ra. Ví như nhà Thục Hán có thể thu phục Trung Nguyên, kéo dài bao nhiêu đời nữa, thì cũng tới lúc phải hạ màn. Cái “thành công” mà người đời thường rất coi trọng ấy, đặt vào dòng chảy cuồn cuộn của thời gian bỗng trở nên thật lẻ loi vô nghĩa biết bao! Có thơ rằng:

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không”.

(Lâm giang tiên - Dương Thận)

Tư Mã Huy, Thôi Châu Bình biết số Trời đã định, chọn sống một đời ẩn dật, bạn cùng vượn hạc, vui thú non sông. Gia Cát Lượng cũng biết số Trời đã định, nhưng chọn nhọc tấm thân chốn hồng trần, chỉ để diễn một vở kịch thổn thức ngàn năm. Tài kinh bang tế thế, mưu xuất quỷ nhập thần, nhưng sáu lần mang quân ra Kỳ Sơn đều thất bại, để nhắn nhủ với người đời sau rằng: Ý Trời khó cưỡng, con người phải hành sự thuận theo Thiên ý.

Khi Gia Cát Võ hầu tạ thế ở gò Ngũ Trượng, người nước Thục đau đớn rơi lệ, người đời sau đọc đến đoạn ấy cũng ngậm ngùi xót xa. Nhưng biết đâu, bản thân Gia Cát Khổng Minh lại mãn nguyện vì vai diễn lịch sử đã hoàn thành? Sinh mệnh trải qua luân hồi chuyển thế, nào ai hay hôm nay Khổng Minh đang ở giữa chúng ta, đang hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử của mình? Ông hẳn đã sớm biết bản thân mình “vô lực hồi thiên”, nhưng trong tương lai, sẽ có Thánh nhân xuất thế “cứu họa cứu nạn”, truyền Đại Pháp mở ra kỷ nguyên mới, như trong dự ngôn Mã Tiền Khoá mà ông đã lưu lại cho đời sau.

Theo DKNVN.